Điều trị chứng mãn kinh
Triệu chứng của mãn kinh khởi đầu từ 3-5 năm trước khi mãn kinh thực sự, tiếp tục tăng vào tuổi mãn kinh và 4-5 năm sau mãn kinh, chỉ ngừng khi cơ thể thích nghi với cân bằng hormon mới.Các triệu chứng thường thấy là bốc hỏa, đổ mồ hôi, mất ngủ, trầm cảm, đái dầm, lão hóa da, rụng tóc, bệnh tim mạch, suy giảm nhận thức…
Liệu pháp thay thế hormon có hiệu lực cao nhưng cũng có nhiều tai biến (rối loạn nội tiết, ung thư…) nên không kéo dài quá 5 năm. Phụ nữ phương Đông, so với các nước phương Tây, ít phàn nàn về các rối loạn của mãn kinh. Nghiên cứu dịch tễ học cho thấy các dân tộc phương Đông dùng nhiều đậu nành với nhiều cách chế biến khác nhau.
Gần đây, người ta phát hiện thấy trong hạt đậu nành có isoflarm còn gọi là estrogen thực vật (phytoestrogen); hoạt chất này góp phần làm cân bằng hormon ở phụ nữ mãn kinh, cải thiện rõ rệt các triệu chứng khác của tuổi mãn kinh như: Bốc hỏa, đổ mồ hôi đêm, trầm cảm, khô âm đạo…
Tác dụng chuyển hoá xương
Thống kê dịch tễ học cho thấy: Tỷ lệ gãy xương ở phụ nữ châu Á thấp hơn rõ rệt so với phụ nữ ở các nước phương Tây. Kết quả này có liên quan tới sử dụng nhiều thức ăn chế biến từ đậu nành. SI (isoflarm của đậu nành) làm tăng mật độ khoáng tại các đốt sống 1,2 đến 1,4 lần (so sánh với phụ nữ dùng thức ăn ít có đậu nành). Ở chuột thực nghiệm, SI làm giảm nguy cơ loãng xương do ức chế hoạt tính của hủy cốt bào, nên có tác dụng hiệp đồng chống tiêu xương.
Tác dụng trên tim mạch
Các nhà khoa học thuộc Hội mãn kinh ở Bắc Mỹ đã kết luận: Đậu nành và các chất chiết từ đậu nành có tác dụng sau đây: Giảm huyết áp tâm trương. Giảm cholesterol toàn phần, giảm cholesterol xấu (tức LDL-cholesterol). Ngăn chặn sự tiến triển của các mãng xơ vữa. Cải thiện tính đàn hồi của động mạch. Do đó, ở Mỹ, Cơ quan quản lý thực phẩm và thuốc (FDA) từ năm 1999 đã cho phép dùng đậu nành để làm giảm nguy cơ động mạch vành.
Tác dụng trên các khối u phụ thuộc và hormon
Thống kê dịch tễ học cũng cho thấy một số loại khối u phụ thuộc vào hormon (ở màng trong tử cung, ở vú, buồng trứng…) có tỷ lệ rất thấp ở phụ nữ châu Á. Nhận xét này có liên quan tới chế độ ăn giàu đậu nành ở công dân châu Á. Kết quả nghiên cứu về thực nghiệm và lâm sàng cho thấy SI (isoflarm ở đậu nành) có tác dụng làm giảm nguy cơ ung thư ở tử cung, vú và buồng trứng. Hướng nghiên cứu này đang được tiếp tục.
Đậu nành dùng trong dinh dưỡng và công nghiệp
Trong dinh dưỡng bột đậu nành trộn với bột ngũ cốc, dùng làm thức ăn cho trẻ sơ sinh, người bị bệnh đái tháo đường, bệnh gút… Trong công nghiệp dược, bột đậu nành dùng trong môi trường nuôi cấy kháng sinh. Thống kê cho thấy trong 100 ngàn tấn acid glutamic dùng trên thế giới, 1/3 do thủy phân đậu nành.
Do có sự cân bằng giữa tác dụng điều trị và độ an toàn, lại dễ sử dụng nên physoestrogen của đậu nành được xếp vào loại “chất bổ dinh dưỡng”, không cần đơn kê của thầy thuốc.